Những người có hứng thú và chút đỉnh kiến thức về nền võ thuật Nhật Bản chắc hẳn đã một đôi lần nghe qua cụm từ "hoạt sát tự tại" (Kassatsu jizai, tự do tự tại đoạt mạng cũng như cứu mạng). Nhưng trong thực tế, làm thế nào để có thể hoạt sát tự tại?
Vị Shinan của Yagyū Shingan-ryū (Liễu Sinh Tâm Nhãn lưu, một võ phái cổ dạy Kiếm thuật và Nhu thuật, phát sinh từ Yagyū Shinkage-ryū) là Shimazu Kenji nói rằng "nguyên lai, võ thuật chính là hoạt sát tự tại. Sự đoạt mạng giết người và sự cứu người chẳng có khác nhau".
Điểm đến thực tế của võ thuật chẳng gì khác ngoài thế giới xương cốt, đó là tiêu chuẩn tuyệt đối. Shimazu Shihan cho rằng "nếu biết xương cốt thì có thể biết thân thể và võ thuật của người đó".

Loạt bài viết này được đăng trong tạp chí võ thuật Hiden (bí truyền) xuất bản ở Nhật vào tháng 3 năm 2008. Bản dịch Việt ngữ này thuộc quyền sở hữu của tập thể Gokuraku Shujō. Loạt bài viết gồm các phần như dưới đây.

Bài mở đầu: "sức mạnh tiềm tàng của Nhu thuật": giết được thì cứu được
Bài một: công khai kỹ thuật bí truyền của Nhu thuật y thuật! "Cách đọc xương cốt", từ đầu ngón tay có thể biết được cấu tạo cơ thể
Bài hai: bạn có biết cách cứu đúng? "Thế giới hoạt pháp của võ thuật lưu truyền qua Nhu thuật"
Bài ba: Shimazu Kenji x Taira Naoyuki, cuộc đối thoại lạ lùng! Suy nghĩ về võ thuật vượt qua các thế hệ", khả năng của võ thuật
Bài bốn: đạo của Shimazu Kenji, võ nhân "võ y nhất như"


Bài mở đầu

Kỹ pháp hoạt sát tự tại đã mất đi trong cơn sóng Duy Tân là gì?
Đó là "sức mạnh tiềm tàng" của Nhu thuật: giết được thì cứu được!

Trả lời câu hỏi mạo đầu của phóng viên "tôi muốn hỏi về hoạt sát tự tại của Nhu thuật" thì Shimazu Shihan đáp
"không phải là hoạt sát tự tại mà là sát hoạt tự tại. Vì giết được cho nên cứu được".
Thuật lý của Nhu thuật y thuật mà Shimazu Shihan đang chỉ đạo là sự kết hợp giữa lý luận y thuật võ đạo của Hoshi Kunio Shihan thuộc phái Yagyū Shingan-ryū, Takizawa Shihan thuộc phái Shinkage-ryū, Nakayama Kiyoshi Shihan phái Yōshin-ryū với nghiên cứu của chính bản thân Shimazu Shihan.
"Trong võ thuật Nhật Bản vốn có các kỹ thuật cứu thương, rồi tôi công phu thêm bớt chọn lọc theo kinh nghiệm của một chỉnh cốt sư (người làm nghề nắn xương) để cô đọng được như vậy", Shimazu Shihan nói.
Nói về chỉnh thể, tức kỹ thuật dùng tay chân nắn gân cốt, xoa bóp để cơ bắp, gân cốt, nội tạng lấy lại được cân bằng, phục hồi chức năng của nó. Vậy ở đây có gì khác so với các kỹ thuật chỉnh thể và châm cứu mà ta vẫn thấy thường ngày ở phố?
"Y pháp trong Nhu thuật Nhật Bản vốn ban đầu là môn trị liệu tổng hợp bao gồm chánh cốt (Cốt lạc), xoa bóp (Cân lạc) và châm cứu (Kinh lạc). Nhưng đến thời Duy Tân Meiji thì xã hội sùng bái y học Tây dương và nền y học truyền thống như chánh cốt bị coi thường. Ngay cả Kanō Jigorō Shihan, người khai phá môn Nhu đạo được xem là mang tính cách mạng thời đó, cũng hết sức bài xích những người theo học Nhu đạo tại Kōdōkan mà lại học thêm kỹ thuật nắn xương chỉnh khớp của những kẻ nắn xương tầm thường. Rất nhiều thứ trong nền võ học Nhật Bản mất đi kể từ cuộc Duy Tân Meiji, trong đó có kỹ thuật hoạt pháp (phương pháp cứu người). Có thể nói phần lớn kỹ thuật hoạt pháp bị thất truyền trong giai đoạn này".
Vậy thì hoạt pháp mà Shimazu Shihan học được ở Yagyū Shingan-ryū là như thế nào?
"Hoạt pháp không phải thứ đặc biệt bởi nó là phương cách cứu người của võ thuật. Dĩ nhiên là có những phần khác với trị liệu pháp Tây phương, nhưng nếu nhìn từ góc độ cấu tạo cơ thể thì từ ngày xưa đến nay, cơ thể con người đâu có khác nhau, và do vậy phần lớn cũng không khác so với liệu pháp Tây phương. Tuy nhiên, điểm quan trọng là không phải tôi được dạy thứ được gọi là hoạt pháp. Để truyền dạy kỹ thuật giết chóc của Yagyū Shingan-ryū, tức là sát pháp, thì cần thiết phải truyền dạy điểm mạnh điểm yếu cơ bản của cơ thể người, và những kiến thức đó trở thành hoạt pháp. Nó giống như hai mặt trên dưới của một tờ giấy, tuy là hai mặt nhưng cùng một tờ giấy. Cho nên không thể nói, ah đây là kỹ thuật sát nhân, ah kia là hoạt pháp. Nguyên lai võ thuật vốn là như vậy".

Không hiểu câu nói mở đầu của Shihan "vì giết được cho nên cứu được" là như thế nào. Tức là Kata của Yagyū Shingan-ryū có cả hai mặt sát (giết) và hoạt (cứu) hay sao. Trả lời câu hỏi này của người biên tập, Shimazu Shihan vừa cười vừa đáp
"Tôi chẳng mấy khi giải thích về điều này..."
Mạo đầu rồi Shihan giải thích cho chúng tôi như sau.
"Đặc trưng trong Keiko của Yagyū Shingan-ryū là cùng một bài Kata, nhưng lúc thì rất nhanh, có khi lại tiến hành rất chậm. Đây là hai mặt trên dưới của sát hoạt. Chẳng hạn, trong Shingan-ryū có bài Kata cơ bản là Suburi, nếu thực hiện nhanh thì là kỹ thuật đánh đổ đối phương, nhưng nếu thực hiện chậm rãi với lực buông lỏng thì nó trở thành bài Kata chỉnh thể, giúp mọi cơ bắp khắp nơi trong cơ thể được thả lỏng. Ngoài ra còn có bài Kata tên là Seigan, và tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy trong đoạn video thể dục nhận được từ tạp chí Hiden có phần lớn động tác giống với bài Seigan. Cho nên, dù bây giờ người ta hay nói cổ lưu võ thuật không có các động tác thể dục để chuẩn bị, nhưng tôi không cho là như vậy. Nếu anh mang dép cỏ và mặc Kimono như cổ nhân ngày xưa thì anh đã bước đi bằng đầu ngón chân, vận động bằng hông rồi. Và đó cũng là Kata của võ thuật. Người bây giờ hay nghĩ rằng cái hình bên ngoài là kỹ thuật, hay nói cái này dùng được, cái kia không dùng được nhưng thực sự cổ lưu võ thuật đâu có đơn giản như vậy. Trong một bài Kata bao hàm từ động tác thể dục chuẩn bị, giúp ích cho bản thân mình cho tới kỹ thuật đoạt mệnh đối thủ. Khi luyện tập lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ tự nhận ra được, đó là bản chất của việc rèn luyện Kata.
Cho nên không có phân biệt giữa sát với hoạt mà nó là thứ tồn tại tự nhiên ngay từ đầu. Nếu học kỹ thuật giết chóc một cách nghiêm túc thì tự nó sẽ trở thành kỹ thuật cứu chữa. Hẳn là như vậy chứ nhỉ? Vì đến bên kia phía đối lại với giết chóc là cứu chữu mà".

"Học kỹ thuật giết chóc một cách nghiêm túc"
Nếu xét rốt ráo việc học võ thuật thì chắc chắn sẽ đi đến chỗ gặp câu nói này. Chúng tôi cảm nhận được sự quyết liệt trong ngữ điệu của Shihan.
"Cổ lưu võ thuật là do cổ nhân dày công tốn sức, đánh cược cả mạng sống, suy nghĩ rốt ráo mà gây dựng nên. Vì vậy cho nên không có sự sai khác giữa giết chóc và cứu sống. Nhưng từ khi vào thời Meiji thì người ta chỉ thấy một mặt giết chóc, bài trừ nó như một thứ dã man, còn phương diện cứu sống thì bị cho là lạc hậu, không hợp thời đại. Kỹ thuật nắn xương nối khớp cũng vậy. Từ thời Meiji bắt đầu sùng bái y học Tây phương và cấm chỉ luôn châm cứu và chỉnh cốt. Nhưng chính phủ mới cũng không thể bảo người ta là từ ngày mai không được làm nghề này nữa, cho nên đã cấp bằng hành nghề một đời như một cách xử lý cứu tế. Người được cấp bằng có thể hành nghề đến hết đời nhưng lại không được phép có người thừa kế để truyền thừa. Cũng vì điều này mà trong thời kỳ này, rất nhiều kỹ thuật truyền thống đã suy thoái. Trường hợp của nắn xương nối khớp thì kéo dài khoảng nửa thế kỷ, đến năm Taishō thứ 9 (1920). Lý do rất nhiều kỹ thuật Nhu thuật bị thất truyền, biến mất là vì vậy. Quả thật là điều đáng tiếc".

Duy tân Meiji. Gây dựng nên tạp chí võ thuật thì thỉnh thoảng tôi có nghe đến danh từ này, và dĩ nhiên cũng đã học về thời kỳ lịch sử này ở trường lớp. Người thường khi nghe đến danh từ này thường có ấn tượng đây là "bước đầu tiên để tiến đến quốc gia cận đại hào nhoáng", nhưng ngược lại, đối với nền võ đạo Nhật Bản thì đây chỉ là khởi đầu cho một cuộc "thảm sát hàng loạt" mà thôi.
Vậy hoạt pháp ngày xưa được truyền thụ trong võ thuật là như thế nào?

Tiêu chuẩn của cơ thể, nắm bắt xương cốt

"Hoạt pháp của Yagyū Shingan-ryū có đặc trưng là chỉnh pháp và cốt pháp thả lỏng cơ bắp và cách hoạt dụng xương cốt. Bài Kata Seigan như lúc nãy có nói cũng vậy, rất hay có những động tác dãn cơ. Nhưng tiền đề của nó chính là xương cốt. Vậy nên rốt cuộc, làm sao để nắm được xương cốt của đối thủ là điều quan trọng trong Nhu thuật. Hay thấy trường hợp vặn khớp trượt, ấy là do chỉ nắm vào phần thịt của đối thủ. Nếu dùng thịt của mình để nắm lấy thịt của đối thủ thì rốt cuộc chỉ là so sánh sức mạnh, dễ mệt, dễ trượt. Nhưng xương cốt thì không có lực, nên khi đã bị tóm thì không thể thoát được. Cho nên nói biết về xương cốt chính là điều cơ bản của Nhu thuật".
Biết về xương cốt để không cho đối thủ thoát. Điều này là đương nhiên, nhưng chỉ có kiến thức về giải phẫu mang tính học thuật không thôi thì chưa đủ, cần thiết phải biết về xương cốt từ khía cạnh thực tế nữa.
"Nhưng không chỉ có vậy. Biết về xương cốt là nền tảng để biết về cơ bắp và kinh lạc".

Cân lạc mà Shimazu tiên sinh nói đến là học thuật về hệ thống cơ bắp liên kết khắp cơ thể. Không thể xem cơ bắp như từng bộ phận tách biệt như tay chân, mà nó là một hệ thống liên kết từ đầu cho đến ngón chân. Phương pháp chỉnh phục vận dụng nó để điều chỉnh tổng thể cơ bắp để giúp cơ thể về trạng thái hài hòa. Khái niệm này gần giống với khái niệm về phương pháp Feldenkrais và Rolfing.
"Cơ bắp hoạt động không ngừng và vị trí bám cơ thì tùy từng người lại khác nhau. Sự sai lệch này thể hiện ở việc người này chạy nhanh, người kia khéo tay và còn ảnh hưởng đến cả sở trường cũng như sở thích của người đó. Nhưng ngược lại thì xương cốt là tiêu chuẩn bất động, vạn người đều như nhau. Đầu tiên nên đọc xương cốt, thứ đến hiểu về cơ bắp, có được như vậy thì ta mới xem cơ thể người một cách có hiệu quả được".
Đúng là cơ bắp bám vào xương cốt là như vậy, nhưng liệu kinh lạc ở phía ngoài cơ thể (so với xương cốt) có quan hệ như thế nào với cốt lạc?

"Kinh lạc và điểm huyệt cực kỳ phổ biến bây giờ, và tôi cũng nghĩ là nó có giá trị. Nhưng đó chỉ là phương pháp luận của người thời cổ đại nhằm tiếp cận bên trong cơ thể từ phía bên ngoài. Còn hoạt động trị liệu thì cần phải biết về phía bên trong cơ thể, tức là xương cốt thì mới là chánh đạo. Nhất là trong võ thuật, cứ thử nghĩ xem, để đánh vào một điểm nhỏ trong thời gian cực ngắn là điều rất khó. Nếu xét đến nguy cơ khi đánh trật thì kỹ thuật này đâu dễ thực hiện. Nếu khống chế, nắm bắt được xương cốt vốn là thứ to lớn hơn thì sẽ chắc chắn hơn nhiều. Tuy để đạt tới cảnh giới bằng cấp hay để trị liệu thì rất khó, nhưng tôi nghĩ có nền tảng kiến thức chắc chắn về xương cốt là điều cần thiết khi biết liên quan đến cơ thể".

Khẩu điệu tuy có ôn tồn nhưng dường như Shimazu Shihan vẫn còn có suy nghĩ về kinh lạc.
"Trong kinh lạc và huyệt có rất nhiều khía cạnh bổ ích để cầm máu và hồi sinh. Tuy nhiên định nghĩa lại quá rộng, có thể thấy rõ nhiều phần phóng đại quá. Chẳng hạn như khi đánh vào ngực thì lưng giật nẩy. Điều này là do thông qua thần kinh gian sườn mà tác động tới xương sống chứ không phải đấm "xuyên qua" cơ thể. Nếu hiểu biết một chút về xương cốt thì đâu thể xem kinh lạc một cách đơn giản được. Về mặt giải phẫu thì huyệt là nơi chẳng có gì cả, nhưng nếu được kích thích đúng thì sẽ có hiệu quả. Gì cũng vậy thôi, không phải mọi thứ đều đơn giản để có thể nhìn qua, học qua mà sử dụng được ngay. Toàn bộ ý tưởng Nhu thuật mà tôi học đều dựa trên xương cốt, nhưng chính bản thân tôi đặt tiền đề sống chết với nó nên tự nơi mà tự tôi đạt tới chính là thế giới xương cốt".
Vì đây là môn võ thuật thực tế, cho nên nền tảng của nó là hệ thống xương cốt. Nhưng làm thế nào để hiểu rõ về xương cốt? Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ đến với phương pháp cụ thể của Nhu thuật y thuật.

Seigan no kata của Yagyū Shingan-ryū




Mục đích của việc luyện tập Seigan là ngoài việc học cách phát lực, nó còn được dùng như một phương pháp điều chỉnh thân thể. Về cơ bản thì động tác được tiến hành chậm rãi, làm cân bằng lực mở rộng, lực duỗi với lực đóng, lực co, xây dựng nên cơ thể có thể phát huy lực đến mức tối đa bất kỳ lúc nào. Và bằng việc phát lực tương phản nhau như thế này thì cơ bắp trong cơ thể được kéo dãn, giúp hình dáng cơ thể mềm mại và uyển chuyển hơn.



  Suburi của Yagyū Shingan-ryū

 
Yagyū Shingan-ryū là môn võ thuật tổng hợp mà trung tâm là Nhu thuật, nền tảng của nó là "Suburi" được cấu thành từ 21 điều (nijū ichi kajō). Điểm đặc sắc của nó là có nhiều kỹ pháp Atemi đa dạng, độc đáo như đánh quyền, đấm, đá và húc người. Nhất là động tác vung quyền độc đáo theo góc rộng gọi là "Furi-ken", nó vừa mang ý nghĩa đả kích, làm dãn cơ bắp và là phương pháp hợp lý để hội đắc kỹ thuật Tai-sabaki (thân pháp) độc đáo của phái này.


 Ứng dụng trong thực chiến của Suburi


Bắt đầu từ tư thế bị tóm ở phần ngực, vừa vung tả quyền lên (1)(2), hữu quyền đánh gạt theo chiều lên xuống ở phần mặt (3). Tiếp theo chuyển thân, vừa thực hiện Irimi (nhập nội), tả quyền đánh từ dưới lên mặt (4)(5). Cánh tay vung chính là động tác "Naniwa" bao hàm cả ý nghĩa đả kích và Tai-sabaki. Ngoài ra, Suburi là thể hệ Keiko có độ hoàn thiện cao, việc luyện tập Suburi có thể tiến hành đơn độc hay với người khác gọi là "Kumi-dori" hoặc tiến hành với tập thể.

Cốt lạc, cân lạc, kinh lạc: hệ thống cấu thành nên Nhu thuật y thuật

Nhu thuật y thuật của Shimazu Shihan được cấu thành từ xương cốt.
"Các Nhu thuật gia ngày xưa luyện tập nghiêm túc để tóm bắt và hủy diệt đối phương nên họ hiểu được cơ cấu xương cốt cũng là điều tự nhiên. Tức đây là tri thức để sống còn. Nếu nhìn cân lạc từ góc độ xương cốt thì sẽ hiểu rõ tính lên kết của cơ thể, thấy được mối liên hệ giữa chân với việc đau hông. Biết rõ xương cốt và cơ bắp rồi biết đến kinh lạc sẽ mang ý nghĩa khác, hiệu quả khác so với khi không biết. Nói ví von thì xương cốt chính là tẩm hải đồ đi biển. Lấy xương cốt làm tiêu chuẩn thì có thể nắm bắt được kinh lạc và huyệt, còn nếu không biết xương cốt mà xem kinh lạc thì tôi nghĩ chỉ giống như đi biển mà không mang theo hải đồ vậy".
(Trò chuyện với Shimazu Shihan)

Kinh lạc, cân lạc và cốt lạc


Tiến sĩ Feldenkrais (1904-1984), người sáng tạo nên phương pháp Feldenkrais là người yêu thích môn Nhu đạo, và là người có được đai đen Nhu đạo đầu tiên ở Âu châu. Phương pháp của ông chịu nhiều ảnh hưởng của thuật chỉnh phục, giải phẫu học và sinh lý học của Nhu đạo thời kỳ đầu.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top