Bài dưới đây được dịch từ mục "người Nhật với voi" trong bài viết về voi của Wikipedia tiếng Nhật.

Khi quần đảo Nhật Bản còn nối liền với đại lục Eurasia thì ở Nhật có loài voi Naumanni sinh sống và bị săn bắt trong thời kỳ đồ đá. Loài này được cho là đã tuyệt diệt ở Nhật khoảng 2 nghìn năm trước, xương của nó được thời đại sau này trân quý, và trong kho Shōsō-in chứa những bảo vật liên quan đến Thiên Hoàng Shōmu cũng có bảo quản mảnh răng của voi Naumann, xem như long cốt.
Về mặt văn bản thì có ghi chép loài voi hiện nay lần đầu tiên được con người đưa đến Nhật vào ngày 22 tháng 6 năm Ōei thứ 15 (15-7-1408). Voi được đưa từ Đông Nam Á theo thuyền Nam Man (thuyền Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), vào cảng Obama nay thuộc tỉnh Fukui để hiến cho Tướng quân Mạc phủ Muromachi đời thứ 4 là Ashikaga Yoshimochi. Có ghi chép rằng sau khi lên kinh, voi được tặng lại cho Triều Tiên.
Trước đó thì người Nhật hầu như không biết tới sự tồn tại của loài sinh vật gọi là voi, nhưng trong bộ tranh cuộn "điểu thú nhân vật hí họa" (tranh vẽ vui về loài vật, gồm 4 cuộn giáp, ất, bính, đinh), cuộn ất có thấy vẽ loài thú nắm bắt được đặc trưng của voi như mũi dài, chân và nanh to.



Năm Tenshō thứ 3 (1575) có thuyền từ Minh quốc chở voi và hổ đến Usuki thuộc xứ Bungo, phía Nam Nhật Bản và được hiến cho võ tướng Ōtomo Sōrin. Ngoài ra, vào năm Keichō thứ 2 (1597) có đô đốc Lữ Tống (đảo lớn nhất Phi Luật Tân) tặng voi cho Toyotomi Hideyoshi, năm Keichō thứ 7 (1602), Tokugawa Ieyasu được gửi tặng voi và khổng tước (chim công) từ đất Giao Chỉ. Trên bức bình phong Nam man thời Momoyama ở viện bảo tàng thành phố Kōbe có vẽ cảnh voi được dẫn tới Nhật Bản.
Tháng 6 năm Kyōhō thứ 13 (1728), có cặp voi đực cái được dẫn từ Quãng Nam (Việt Nam) đến Nhật để hiến cho Tướng quân Mạc phủ Edo đời thứ 8 là Tokugawa Yoshimune. Voi cái sau khi lên bờ ở Nagasaki được 3 tháng thì chết. Đương thời người ta không lường trước được voi sẽ quậy phá nên không có thuyền vững chắc để chứa, voi đực phải đi bộ từ Nagasaki đến Edo, giữa đường yết kiến Thiên Hoàng Nakamikado ở kinh đô Kyōto. Để yết kiến thì cần phải có tước vị, nên voi đực được phong tặng chức tước và tên họ là "tòng tứ vị Quãng Nam bạch tượng". Tại Edo thì Tướng quân Tokugawa Yoshimune cũng xem voi từ đại sảnh trong thành Edo. Sau đó voi được nuôi ở ly cung Hama, nhưng vì tốn rất nhiều thức ăn để nuôi nó nên tháng 4 năm Kampō (1741), voi được giao cho người nông dân tên Gensuke ở làng Nakano (nay thuộc quận Nakano, Tōkyō), đến tháng 12 năm sau thì voi bệnh chết. Hiện tại một phần ngà của voi vẫn còn ở Bảo Tiên tự (Hōsen-ji) quận Nakano.


Ngày 28 tháng 6 năm Bunka thứ 10 (25-7-1813), tàu Charlotte và tàu Maria của Anh quốc khi đến Nagasaki cũng dẫn theo 1 con voi đực làm quà tặng đặc biệt cho Tướng quân. Con voi này ở lại Nagasaki ít lâu khi viên quan Bugyō ở Nagasaki lúc bấy giờ là Tōyama Kagekuni kiểm tra, nhưng đến mùng 1 tháng 9 năm đó thì Mạc phủ từ chối nhận nên voi lại lên tàu rời khỏi Nhật Bản. Mục đích của tàu Anh quốc này là yêu cầu trưởng thương quán Hà Lan ở Dejima là Hendrik Doeff giao lại thương quán cho Anh quốc theo lệnh của Thomas Stamford Raffles, nên con voi được cho là quà tặng ra mắt.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top