Iizasa Ienao, khai tổ Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū



Tỉnh Chiba, ngày xưa là một phần xứ Shimōsa nằm ờ phía Đông Nam khu vực Kantō, Nhật Bản có 7 mục tài sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 mục là võ thuật. Ngày 28 tháng 2 năm 1978 (Shōwa thứ 53), tỉnh chỉ định võ phái Tatsumi-ryū (Kiếm thuật, Iai, Nhu thuật, bổng pháp...) là tài sản văn hóa phi vật thể của tính. Đến ngày 29 tháng 11 năm 1989 (Shōwa thứ 60) thì chỉ định lưu phái Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū là tài sản văn hóa phi vật thể. Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū (gọi tắt là Katori Shintō-ryū) là môn Cổ võ đạo lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay tại Nhật Bản, và là một trong ba tông phái lớn khai sinh ra nhiều phái kiếm khác.

Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū là lưu phái võ thuật do võ tướng Iizasa Chō-i-sai Ienao (1387~1488), người làng Iizasa thuộc quận Katori (nay là thành phố Tako) gây dựng vào giữa thời Muromachi.
Nội dung của lưu phái đa dạng, là môn võ nghệ tổng hợp thập bát ban gồm Kiếm thuật, thuật rút kiếm Iai, thuật đánh thương, đánh gậy, ném phi tiêu (Shuriken) và cả thuật xây thành, thuật Âm dương xem sự cát hung.
Sōke đời thứ 20 của lưu phái là ông Ōtake Risuke, người duy nhất được truyền thụ "cực ý giai truyền" (Gokui Kaiden) của môn phái và hiện đang truyền dạy Katori Shintō-ryū ở võ đường Shimo Fukuda.
Đặc trưng của Katori Shintō-ryū là luôn để tâm đến tính thực chiến, luôn xem bản thân như đang sống trong thời Chiến quốc để khi đối thủ tập kích thì ta vẫn có thể ra đòn chớp nhoáng mà hạ địch, tất cả đòn thế đều là nhất kích tất sát.
Khi luyện tập thì dùng mộc đao (Bokutō) và không hề mặc giáp phòng vệ. Mặt khác, môn phái cũng dạy rằng "binh pháp là bình pháp", nghiêm cấm chuyện đánh nhau. Phái dạy rằng binh pháp (võ nghệ) là cái pháp của hòa bình, không cần phải đánh nhau mà vẫn giành được thắng lợi mới là chí thượng. Việc học tập kỹ thuật "nhất kích tất sát" và tuân thủ tư tưởng "bình pháp" thoạt nhìn tưởng chừng mâu thuẫn nhau, nhưng ông Ōtake đã kể lại câu chuyện dưới đây như một chìa khóa để hiểu rõ vấn đề này.

"Thực ra, vào năm Shōwa thứ 35, khi Katori Shintō-ryū là môn võ đầu tiên được tỉnh chỉ định là tài sản văn hóa phi vật thể thì người phụ trách tỉnh đã xin tỷ thí. Lúc đó tôi rất phân vân và cũng đã nghĩ đến việc không nhận chỉ định của tỉnh, nhưng đó là cơ hội tốt để nhìn nhận về giá trị lịch sử nên tôi đã chấp nhận tỷ thí.
Một khi đã tỷ thí với môn phái khác, vốn là điều bị cấm, mà để thua thì chỉ còn đường chết. Lúc đó tôi đã chuẩn bị tâm lý như vậy. Và sau khi biết được tôi không mặc giáp phòng vệ mà đánh cược cả mạng sống vào trận tỷ thí thì cuối cùng tỉnh cũng đã chỉ định môn phái là tài sản văn hóa phi vật thể mà không cần phải tỷ thí. Đây đúng là giành thắng lợi mà không phải đánh."

Thời gian gần đây nổ ra phong trào theo học Cổ võ đạo trên khắp Thế giới, và rất nhiều người Âu Mỹ tìm đến võ đường Ōtake để tu dưỡng tinh thần.
Đệ tử ngoại quốc đầu tiên của Katori Shintō-ryū là Donn F. Draeger, người Mỹ và là thầy dạy của Anton Geesink, tuyển thủ đoạt huy chương vàng Nhu đạo tại Olympic Tōkyō.  Donn Draeger theo học kỹ thuật và tinh thần của môn phái 17 năm, và là người quan trọng nhất trong việc phổ cập Katori Shintō-ryū ra hải ngoại.
Katori Shintō-ryū hiện nay đang lan rộng khắp Thế giới và là nguồn gốc của võ đạo Nhật Bản, được giữ gìn, thừa kế hơn 600 năm qua. Ông Ōtake Risuke nhận thấy sức nặng của truyền thống, cảm giác trách nhiệm và đầy từ hào về nó. Trong lễ hội giao lưu cao cấp Nhật-Mỹ lần thứ 13, thành phố Narita, tỉnh Chiba tổ chức tại hội quán Văn hóa quốc tế ngày18 tháng 10, Katori Shintō-ryū đã được chọn làm đại diện cho văn hóa Nhật Bản truyền thống.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top