Nói đến văn hóa Nhật Bản, không thể không nhắc đến Thiền (Zen). Nói đến ảnh hưởng và cống hiến của Thiền, không thể không nhắc đến văn hóa Nhật Bản. Trong bối cảnh xã hội nhộn nhịp ngày nay, ít ai có thời gian để tâm và nhận ra rằng Thiền chính là một trong những trụ cột chính nâng đỡ và duy trì truyền thống, tinh thần và tâm hồn Nhật Bản.
Dĩ nhiên, tinh thần của Thiền bàn bạt trong văn hóa những nước Á Đông khác, nhưng đặc biệt thể hiện đậm nét ở văn hóa Nhật Bản. Nó là cội rễ nâng đỡ cho tình thần Võ sĩ đạo, ý thức thẩm mỹ tinh tế cũng như tâm hồn nhạy bén của dân tộc này.
Và nói đến Thiền thì không thể không nhắc đến tên tuổi Suzuki Taisetsu Teitarō. Ông là tác giả của bộ sách trứ danh "Thiền luận" (đã xuất bản tại Việt Nam trước năm 1975, do hai thầy Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch), bộ sách có công rất lớn trong việc giới thiệu Thiền đến với người phương Tây. Trước đó, Thiền là cái gì, Phật giáo là thế nào? Người phương Tây chỉ có ức thức một cách mơ hồ về những khái niệm này. Chỉ đến khi "Thiền luận" của Suzuki Taisetsu ra đời thì Tây phương mới hiểu rõ Thiền tông, và cũng từ đó Thiền lan rộng khắp Thế giới, trở thành một cái mốt trí thức trong xã hội Tây phương, và ảnh hưởng ngược lại đến Đông phương. Là người am hiểu, anh không thể không biết đến Thiền. Là người trí thức, anh nên nói chuyện Thiền. Giống như ở Việt Nam, phàm đã là trí thức thì phải mê nhạc Trịnh, chỉ có mê nhạc Trịnh mới là trí thức.
Nói vui một cách cực đoan vậy thôi, cốt để cho thấy sự lan tỏa của Thiền qua những cống hiến của Suzuki Taisetsu.

"Thiền luận" nổi tiếng như vậy và gắn liền với tên tuổi của Suzuki Taisetsu. Nhưng ông còn một cuốn sách khác không kém phần đặc sắc nhưng người Việt ít ai biết, đó là cuốn "Thiền và văn hóa Nhật Bản" (Zen and Japanese culture, bản tiếng Nhật: Zen to Nihon bunka). Cũng như "Thiền luận", cuốn này được tác giả viết bằng tiếng Anh và hướng đến người đọc Tây dương. Người Tây phương vốn không có nhiều kiến thức Phật giáo tiền đề nên sách giải thích cặn kẽ những kiến thức dự bị về Thiền ở đầu sách, rất dễ nhập môn.
Cuốn sách sau đó được người Nhật dịch sang tiếng Nhật, tuy có nhiều bản dịch nhưng bản của học giả lịch sử mỹ thuật Kitagawa Momo-o, do Iwanami Shinsho xuất bản có thêm một chương vào cuối sách là "Thiền và thơ Haiku". Chương thứ bảy này là phần rất quan trọng để hiểu được Thiền, nên ở đây chỉ giới thiệu về bản dịch của học giả này.

Bản dịch của Kitagawa Mono-o gồm các chương

  • Chương một: tri thức dự bị về Thiền
  • Chương hai: Thiền và mỹ thuật
  • Chương ba: Thiền và Võ sĩ 
  • Chương bốn: Thiền và Kiếm đạo
  • Chương năm: Thiền và Nho giáo
  • Chương sáu: Thiền và Trà đạo
  • Chương bảy: Thiền và thơ Haiku

"Thiền và văn hóa Nhật Bản" giới thiệu khái quát về Thiền và đề cập những ảnh hưởng của nó đến nền văn hóa Nhật Bản qua các mặt mỹ thuật, Võ sĩ đạo, Nho giáo, Trà đạo và Haiku. Ở đây tóm lược tinh thần chính của một vài chương trong cuốn sách.

Chương một: tri thức dự bị về Thiền.
Thiền tức là nhìn trực tiếp vào tinh thần của Phật Đà. Tinh thần này là gì. Đó chính là cốt tủy của Phật giáo, là Bát Nhã (Hannya) và Đại Bi (Daihi). Bát Nhã được dịch là "trí huệ siêu việt", còn Đại Bi được dịch là "ái" (tình thương). Nhờ có Bát Nhã, con người thấu được cái thực tại trong biểu hiện của hiện tượng, sự vật, tức hiểu rõ bản chất của mọi hiện tượng. Còn ái là tình thương bao trùm lên vạn vật, kể cả những loại phi sinh vật, tất cả mọi sự tồn tại. Thiền là thứ giúp chúng ta đánh thức Bát Nhã đang say ngủ bên trong ta do Vô minh và Nghiệp bao phủ. Vô minh và Nghiệp khởi nguồn từ sự khuất phục vô điều kiện trước tri tính. Thiền chống cự lại trạng thái này. Nhưng tác dụng tri thức lại biểu hiện bằng lý luận và ngôn từ, trong khi Thiền khinh miệt lý luận và ngôn từ, không dựa vào từ ngữ (bất lập văn tự) mà trực tiếp nhìn vào bản chất của hiện tượng.

Chương hai: Thiền và mỹ thuật

Trong nghệ thuật Nhật Bản có khái niệm rất đặc trưng, không đất nước nào khác có được, đó là "Wabi", "Sabi" và có liên quan mật thiết đến Thiền.
Nghĩa của "Wabi" là "bần khốn", nói một cách tiêu cực là "không đứng trong dòng chảy của xã hội, trào lưu". Bần, nghèo, tức là không dựa vào phú (giàu có), lực (sức mạnh) và danh (tiếng tăm), nhưng trong tâm người có sự tồn tại của thứ mang giá trị tối cao, vượt qua mọi địa vị xã hội và thời đại. Đây là yếu tố bản chất cấu thành nên "Wabi". Về sinh hoạt tri thức thì đó là không tìm kiếm sự phong phú hóa trong quan niệm, cũng không dựa dẫm vào tấm lá chắn tư tưởng triết học. Tâm tĩnh cư an nhàn trong cái tự nhiên, đồng hóa với toàn thể tự nhiên và đạt được sự vui thích trong cái đơn sơ như vậy.

Ngày nay chúng ta đều thấy nguyên lý của tranh thủy mặc phát khởi từ những trải nghiệm của Thiền, mang tính trực tiếp, tính vận động, tính tinh thần, tính hoàn toàn...và đều có mối quan hệ hữu cơ với Thiền.


Bạn đọc quan tâm có thể mua sách tại địa chỉ dưới đây

3 bình luận :

 
Top