Thời Edo
Trong thời kỳ này, các khúc nhạc cho đàn Koto (Sōkyoku -tranh khúc) do các nhạc sư mù viết ra được gọi chung là "Zokusō" hay "Zoku-goto" (俗箏 -tục tranh). Zokusō dựa trên nền tảng là Tsukushi-goto do nhà sư Kenjun khởi xướng trong thời kỳ trước và đã thành công trong việc thiết lập nền tảng cho đàn Koto và các khúc nhạc Sōkyoku.
Đầu thời Edo có nhạc sư mù Yatsuhashi Kengyō (1614~1685) là người có công lớn trong việc đổi âm giai chỉnh âm cây đàn Koto từ trước đó sang âm giai Miyako-bushi phổ biến ở các nơi phồn hoa đô hội và nhân rộng trong đại chúng. Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều khúc nhạc cho đàn Koto và đặt nền móng cơ bản cho các khúc nhạc Koto (Sōkyoku) hiện tại. Có thuyết cho rằng các khúc biến tấu "Dan-mono" (tên gọi chung của các khúc nhạc Godan, Rokudan, Hachidan...) được khai sinh là do Yatsuhashi Kengyō tiếp xúc với âm nhạc Tây phương, nhất là cây đàn Cembalo bằng hình thức nào đó.
Một trong những khúc nhạc độc tấu cho đàn Koto tiêu biểu là Rokudan no shirabe (khúc nhạc lục đoạn) còn được lưu truyền đến ngày nay là sáng tác của Yatsuhashi Kengyō. Kengyō là chức danh cao nhất của người mù trong thời phong kiến ở Nhật. Năm 1685 khi Yatsuhashi Kengyō qua đời cũng là năm sinh của nhiều đại gia trong nền âm nhạc Tây phương như Bach, Händel và Domenico Scarlatti. Tên của Yatsuhashi Kengyō còn được đặt cho một loại bánh ngọt Wagashi ở Kyōto là bánh "Yatsuhashi" phỏng theo hình dạng cây đàn Koto.
Nhạc khúc Midare (loạn) của Yatsuhashi Kengyō do nghệ sĩ phái Ikuta-ryū biểu diễn
Hoặc khúc biến tấu Midare (loạn) do nữ nghệ sĩ Yoshimura Nanae biểu diễn
Sau Yatsuhashi Kengyō, giữa thời Edo còn có hai nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) quan trọng khác là Yamada Kengyō và Ikuta Kengyō. Đây là hai nhân vật lớn, lập nên hai trường phái Koto là Ikuta-ryū và Yamada-ryū lưu truyền đến ngày nay. Ikuta Kengyō hoạt động ở kinh đô Kyōto trong những năm Genroku, có nhiều cải tiến trong phương pháp biểu diễn, chỉnh âm, cải tiến tay khảy đàn và có nhiều đóng góp trong việc phát triển các khúc nhạc Koto.
Thực tế đương thời ở vùng Kamigata (vùng quanh Kyōto, Ōsaka) có nhiều lưu phái mới phát sinh và đều có những cải tiến độc đáo về tay gãy đàn và sáng tác nhạc khúc. Thời nay, người ta gọi chung hết những lưu phái đó là Ikuta-ryū.
Ikuta Kengyō được cho là có công lớn trong việc đưa cây đàn Koto vào biểu diễn chung với Ji-uta, một hình thức biểu diễn đàn Shamisen nhưng thực tế đàn Koto cũng được diễn hợp tấu với Shamisen ở các lưu phái khác. Và như vậy Sōkyoku (tranh khúc) trở nên thịnh hành ở vùng Kamigata (phía Tây nước Nhật) một thời gian, đến nửa cuối thế kỷ 18 có nhạc sư mù Yamada Kengyō hoạt động ở Edo (phía Đông nước Nhật) cải tiến nhạc cụ và sáng tác nhạc khúc cho thể loại hát rối Jōruri (Tịnh lưu ly) và ông trở thành khai tổ của lưu phái Yamada-ryū. Lưu phái Yamada-ryū này lan rộng khắp miền Đông Nhật Bản, trung tâm là Edo. Và như vậy, cho đến cuối thời Mạc phủ Tokugawa thì miền Tây nước Nhật có phái Ikuta-ryū, còn miền Đông có Yamada-ryū hoạt động mạnh mẽ. Ngoài ra còn có một phần lưu phái Yatsuhashi-ryū được truyền thừa trực tiếp từ Yatsuhashi Kengyō lưu hành.
Các nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) quan trọng trong thời kỳ này gồm có Kitajima Kengyō đầu thời Edo, đệ tử của Yatsuhashi Kengyō và là sư phụ của Ikuta Kengyō, giữa kỳ có Mitsuhashi Kengyō và Yasumura Kengyō nổi tiếng với các sáng tác cho Kumi-uta, thể loại phối hợp các nhạc khúc có sẵn thành một bài duy nhất, và đến cuối kỳ Edo thì có Yaezaki Kengyō, Mitsuzaki Kengyō và Yoshizawa Kengyō.
Trong thời Edo, cây đàn Koto bị chế độ Tōdōza, tổ chức của những người mù độc chiếm. Koto chỉ được truyền dạy trong các nhạc sư mù và họ không chấp nhận cho người sáng mắt bình thường trở thành người biểu diễn chuyên nghiệp.
Vì vậy nên ngoài Ji-uta ra thì trái ngược với các thể loại âm nhạc khác diễn tấu với cây đàn Shamisen như kịch Kabuki hay kịch rối Jōruri (Tịnh lưu ly), tức các hình thức biểu diễn mang yếu tố thị giác, thì Sōkyoku (tranh khúc) biểu diễn với cây đàn Koto không có bất kỳ mối quan hệ nào với các sân khấu, kịch trường và chỉ phát triển như một thứ âm nhạc thuần túy. Trung tâm của Sōkyoku (tranh khúc) là Kumi-uta, trong đó đàn Koto phụ họa với các nhạc cụ khác, và các khúc độc tấu dành cho riêng Koto gọi là Dan-mono (tên gọi chung của các ca khúc "Ngũ đoạn"-Godan, "Lục đoạn"-Rokudan, "Bát đoạn"-Hachidan...). Và nhạc khúc Koto cũng phát triển mạnh mẽ trong vai trò là Tegoto, tiết mục biểu diễn đệm giữa hai lời hát trong thể loại hợp tấu Ji-uta.
Trái với cây đàn Shamisen phổ cập mạnh mẽ trong giới bình dân và có liên hệ mạnh mẽ với các du nữ, gái làng chơi, thì cây đàn Koto cùng các nhạc khúc của nó (tranh khúc) lại là đối tượng thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học Vương triều, được cho là thứ âm nhạc mang tinh thần tao nhã, được giới Võ gia đương thời nhận thức là loại "âm nhạc cao thượng" nên đàn Koto trở thành một thú vui không thể thiếu của các tiểu thư con nhà Võ gia quyền quý.
Giai nhân và đàn Koto from Cực Lạc Chúng Điểu on Vimeo.
Thời cận đại
Kể từ thời Meiji trở đi thì chế độ Tōdōza bị bãi bỏ, ngoài những người mù ra thì người mắt sáng bình thường vẫn có thể theo đuổi nghề diễn tấu đàn Koto. Các nhạc khúc được sáng tác trong thời kỳ này được gọi là "Meiji shinkyoku" (Minh Trị tân khúc) và có ít ảnh hưởng từ âm nhạc Tây phương, ngoài ra còn thấy có ảnh hưởng từ Minh Thanh nhạc, loại âm nhạc du nhập từ Trung Hoa sang.
Thời kỳ này chứng kiến sự cách tân trong trào lưu tư tưởng của toàn dân kể từ sau cuộc duy tân Meiji cho nên Sōkyoku (tranh khúc) được giải phóng rộng rãi, ngoài giới người mù ra thì còn có rất nhiều người bình thường khác bước vào thế giới của đàn Koto, cho nên thời kỳ này chứng kiến sự ra đời của rất nhiều nhạc khúc. Nhất là ở vùng Ōsaka, Minh Trị tân khúc cực kỳ thịnh hành. Tuy nhiên, đối với người chơi Koto hiện tại thì các nhạc khúc ra đời trong thời gian này được cho là có ít bài đạt chất lượng thỏa mãn. Nhưng bầu không khí âm nhạc thời kỳ này mang nét mới mẻ, độc đáo. Các tác phẩm sáng tác trong thời kỳ này vẫn thường được biểu diễn trong ngày nay có thể kể đến "Aki no koto no ha" (lời mùa thu) của Nishiyama Tokumo-ichi, "Kaede no hana" (hoa Kaede) của Matsuzaka Shun-ei, "Saga no aki" (mùa thu Saga) của Kikusue Kengyō, "Meiji Shōchikubai" (Minh Trị tùng trúc mai) của Kikuzuka Yo-ichi. Ngoài ra cũng có không ít nhạc khúc bất hũ như "Shiragiku" (cúc trắng) của Terashima Hanano, "Miyako no haru" (mùa xuân kinh kỳ) của phái Yamada-ryū.
Trong thời kỳ Taishō (Đại Chánh) và những năm đầu niên hiệu Shōwa (Chiêu Hòa) thì không thể không nhắc đến tên tuổi Miyagi Michio khi nói đển mảng Sōkyoku (tranh khúc). Ông là nhạc sư phái Ikuta-ryū và là nhân vật trung tâm trong trong việc đưa vào yếu tố âm nhạc Tây phương để hình thành nền âm nhạc mới của Nhật Bản. Ông không chỉ hoạt động trong lãnh vực Koto mà còn nổi trội trong các mặt khác của âm nhạc truyền thống (Hōgaku). Sáng tác tiêu biểu của Miyagi Michio là "Haru no umi" (biển mùa xuân) dành cho đàn Koto và cây sáo Shakuhachi (nói chính xác, loại sáo này dài 1 xích 6 thốn, ngắn hơn Shakuhachi một chút). "Haru no umi" là khúc nhạc viết lại ngữ pháp của âm nhạc truyền thống Nhật Bản (Hōgaku) và khai thác hết tính năng của nhạc cụ, cho đến nay thì nó vẫn là khúc nhạc hàng đầu khi chọn biểu diễn đàn Koto. "Haru no umi" (biển mùa xuân) của Miyagi Michio còn được diễn tấu với đàn Violin hay sáo Tây thay cho Shakuhachi. Về Violin thì có nữ nghệ sĩ Pháp quốc là Renée Chemet từng diễn tấu khúc nhạc này và kể từ đó, tên tuổi Miyagi Michio cũng như cây đàn Koto được Thế giới biết đến rộng rãi. Miyagi Michio không chỉ đi vào mảng sáng tác nhạc khúc và cải tiến nhạc cụ mà còn dốc hết lực vào việc khôi phục các nhạc phẩm cổ điển và các hoạt động đào tạo. Từ trước đó, việc luyện tập và truyền thụ đàn Koto chủ yếu thông qua hình thức truyền miệng, và Miyagi là người có công lớn trong việc phổ cập nhạc phổ vào âm nhạc truyền thống.
Miyagi Michio ảnh hưởng đến toàn thể trào lưu của thế giới Sankyoku (Tam khúc, một thể loại Ji-uta với đàn Koto, Shamisen và hồ cung). Các nhà tác khúc như Nakamura Sōyō, Hisamoto Genchi phái Ikuta-ryū và Naka-no-shima Kin-ichi đều có nhiều sáng tác chịu nhiều ảnh hưởng từ Miyagi Michio để lại cho hậu thế. Ngay cả những người không phải là nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) như Machida Kashō (nhà phê bình âm nhạc) cũng chịu ảnh hưởng của Miyagi mà sáng tác nhiều tác phẩm hợp tấu với các nhạc cụ truyền thống.
0 bình luận :
Post a Comment