Người ta cho rằng: "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, lễ nghĩa sinh phú quý. Có lễ nghĩa mới có tất cả. Giống dân nào không biết lễ nghĩa thì chẳng bao giờ khá lên nỗi.
Bất cứ dân tộc nào, vào thời đại nào cũng cần có những quy tắc ứng xử giữa người với người, để giữ cho xã hội không đi vào rối ren, loạn lạc. Đó chính là lễ nghĩa tác pháp (phép tắc). Cuốn sách lễ nghĩa phép tắc nhập môn (Reigi sahō nyūmon) của Yamaguchi Hitomi đề cập đến những vấn đề trong chuyện lễ nghĩa phép tắc của dân tộc Nhật Bản, một dân tộc vốn được coi là đặt nặng vấn đề lễ nghĩa. Cuốn sách có những góc nhìn độc đáo về chuyện lễ nghĩa ở đất nước này, và đối chiếu với những chuẩn mực lễ nghĩa Tây phương để thấy những sự khác biệt. Điều ở đất nước này được cho là lễ nghĩa, có khi lại thành thất lễ ở đất nước khác.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua sách tại: Amazon. Giá 452 En, rất rẻ so với một cuốn sách bổ ích như thế này.
Về tác giả: Yamaguchi Hitomi sinh năm Taishō thứ 15 (1926) tại Tōkyō, sau nhập học tại Kamakura Akademy. Ông làm việc trong ngành xuất bản cho đến năm Shōwa thứ 33 thì vào làm ở bộ phận quản cáo của tờ Santori. Ông nổi tiếng trong vai trò một copy writer (người viết quảng cáo), người biên tập cuốn "Yōshu Tengoku" (thiên đàng rựu Tây) và đến năm 79 thì nhận được giải thưởng Kikuchikan cho cuốn sách "Ketsuzoku" (huyết tộc) của mình. Trước đó ông cũng nhận được giải Naoki năm 62 cho một cuốn khác. Yamaguchi mất vào tháng 8 năm Heisei thứ 7 (1995).
Dưới đây là trích một đoạn trong bản dịch Việt văn của Nhất Như (∈ Gokuraku Shujō).
Phần I: Thế nào là lễ nghĩa phép tắc
1. Đầu tiên phải là sức khỏe
Phép lịch sự chính là quy định, là quy tắc
Lễ nghĩa phép tắc là gì? Có lẽ không có thứ gì mà chúng ta cho rằng mình hiểu như lại không hiểu được như khái niệm này. Giả dụ nếu tôi hỏi một em học sinh tiểu học rằng lễ nghĩa phép tắc là gì thì có lẽ em sẽ trả lời rằng, vâng, chính là cư xử lịch sự ạ. Nếu thế thì cư xử lịch sự là như thế nào. Tôi nghĩ rằng em học sinh sẽ trả lời rằng đó là buổi sáng thức dậy, gặp người khác phải nói "Ohayō gozaimasu" (chào buổi sáng), trước khi ăn thì nói "Itadakimasu" (1). Đây cũng là một câu trả lời.
Nhưng câu nói "Itadakimasu" trước bữa ăn là dành cho ai? Nếu hỏi tiếp thì chắc là em học sinh sẽ đáp rằng là dành cho bố, người đã lao động kiếm tiền để mua rau cải, thịt cá; và dành cho mẹ, người đã chế biến những thức ấy thành món ăn. Trả lời thế cũng đúng. Nhưng nếu ác ý hỏi tiếp, rằng nếu bố chỉ tiêu tiền của ông nội thôi và tự mình không kiếm được đồng xu nào, rằng thức ăn mẹ nấu rất cẩu thả, không xem trọng người ăn, thì liệu có nói "Itadakimasu" được không. Tôi vẫn nghĩ rằng em sẽ trả lời là có.
Như thế thì lễ nghĩa phép tắc và phép lịch sự là cái gì? Chẳng phải chúng là thứ không có thực, là thứ giả tạo đó sao. Tôi nghĩ như vậy, rằng lễ nghĩa phép tắc chỉ là giả tạo.
Chữ "nghĩa" trong "hành nghĩa" (2) mang nghĩa là phương thức, quy tắc, là quy định. Tức là nếu biết những quy tắc và làm theo chúng thì đó chính là phép lịch sự, là lễ nghĩa phép tắc. Như thế thì liệu có nói được rằng có người biết nhiều quy tắc và làm theo chúng thì anh ta có phải là người lịch sự, theo đúng lễ nghĩa phép tắc được chăng? Không phải như vậy. Có những quy tắc, nhưng biết và thực hiện chúng không phải là chìa khóa để giải quyết vạn sự. Liệu tác giả của những cuốn sách về phép lịch sự là người lễ tiết? Không hẳn như vậy. Chuyện biết những quy tắc, quy định chỉ là một phương diện trong lễ nghĩa phép tắc mà thôi.
Ý nghĩa của việc "không làm phiền người khác"
Thử quay về với xuất phát điểm ban đầu, xem lễ nghĩa phép tắc là gì thì trong đầu tôi luôn nghĩ đến một điều là "không làm phiền người khác".
Khi nói "không làm phiền người khác" thì có thể nó sẽ khiến ta nghĩ đến nhiều điều nhưng tôi nghĩ nếu cứ suy nghĩ triệt để thì chẳng phải thứ quan trọng nhất vẫn là "sức khỏe" đấy sao. Sức khỏe chính là thức của mình, vì mình mà cũng là vì người khác.
Giả dụ anh kia có hẹn với người nào đó vào ngày ất tháng giáp, nhưng trước hôm hẹn thì đột nhiên gặp lại người bạn cũ. Thế là rũ nhau đi uống say sưa, rồi đầu óc điên đảo mộng tưởng, xa lìa chánh khí.
"Thành thật xin lỗi anh, hôm nay tôi không uống được một giọt nào hết. Chỉ cần nhìn thấy rượu thôi là thấy ớn rồi, nhìn thấy đồ ăn là muốn nôn".
Thật chẳng còn gì bất lịch sự bằng tình huống này. Lưu ý đến sức khỏe là yếu tố không thể thiếu trong giao tế với người khác.
Mười năm trước tôi có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về hôn nhân sắp đặt trong xã hội đương thời, và chuyện này cũng có mặt tích cực của nó là nhờ đó mà tôi được gặp gỡ các quý bà quý cô thuộc tầng lớp thượng lưu. Tôi thấy rất cảm phục vì trông họ luôn khỏe mạnh, nước da luôn tươi sáng, nhất cử nhất động đều rất sinh động, khỏe khoắn. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng các bà thượng lưu chẳng phải lo nghĩ gì về kế sinh nhai, sống trong nhung lụa nên thế là đúng rồi. Kỳ thực không phải vậy. Ta vẫn thấy có nhiều người giàu có nhưng vẫn không khỏe mạnh đấy thôi. Và chẳng có thứ gì đáng chán bằng bộ mặt đưa đám của một người nữ thiếu ngủ. Tôi nghĩ rằng nữ nhân phải ngủ nghỉ cho đầy đủ.
Có người trò chuyện như thế này trong một bữa tiệc.
- Dạo này anh có khỏe không?
- A cảm ơn, nhưng tui khổ với cái bao tử quá, đã đau rồi mà còn ợ chua nữa....
- Còn tui thì tháng trước phải phẫu thuật trĩ đó. Trĩ lòi, đau hết nước, rồi chảy mủ nữa....
Mẫu đối thoại này, nếu là giữa người Tây phương với nhau thì tuyệt đối không bao giờ thấy. Nếu anh đã như thế thì còn đi dự tiệc làm gì. Vì thế, nếu như anh có hẹn với người trên thì phải lưu ý đến sức khỏe trước đó một tuần, đừng để cảm cúm trúng gió. Tuy không phải là tất cả nhưng tôi cho rằng cơ bản của phép lịch sự chính là việc giữ gìn sức khỏe. Cũng là vì tôi cũng từng trải qua chuyện như thế này.
Tôi có bệnh về răng nên sinh hôi miệng, đến nha sĩ để điều trị là vì mình, cũng là vì người khác nữa. Tôi nghĩ căn bản nhất của lễ nghĩa phép tắc chính là ở đó. Sức khỏe chính là thứ bùa hộ mạng khá hữu hiệu của anh trong phép lịch sự. Vai trò của nó khá quan trọng.
Có lần tôi được người tiền bối chiêu đãi ở một quán ăn chuyên thịt ngan. Thế nhưng đêm trước đó bỗng nhiên sinh đau răng, nửa mặt bên phải sưng tấy lên, chẳng ăn uống gì được. Nhưng đã lỡ hẹn, hứa là sẽ giới thiệu một người bạn cho vị tiền bối đó rồi nên không đi không được. Vì đây là quán ăn chuyên làm thịt ngan nên dù đau răng cũng không thể gọi món dễ ăn hơn được. Tôi cũng không uống được giọt nào nên cả người bạn vì vị tiền bối lấy làm lo lắng. Và về phía vị tiền bối thì chắc sẽ nghĩ rằng, mình đãi nó, thế mà nó không ăn không uống gì, lại mặt sưng mày sỉa thế kia thì mất cả hứng. Có thể chuyện đau răng xảy ra đột ngột, nhưng trường hợp của tôi thì đã có dự cảm trước khi nào thì nó xảy ra, vì vốn có bệnh về răng mà. Quả thật như thế là mất lịch sự quá.
Đối với các nhân viên trong công ty cũng vậy. Tôi thường nói với các nhân viên trẻ rằng nếu bị cảm thì cứ nghỉ đi. Nếu thấy đau bụng thì cứ về sớm đi, đừng cố chịu đựng làm gì. Nếu anh vẫn cố cầm cự với bệnh cảm thì ngộ nhỡ dẫn đến viêm phổi, phải nghỉ dài hạn thì thật là phiền cho công ty, phiền cho những người làm việc chung với anh. Không chịu đựng vô lý khi sức khỏe yếu chính là phép lịch sự của một nhân viên. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng căn bản của lễ nghi phép tắc chính là sức khỏe.
Có quan niệm cho rằng "cái răng cái tóc là của cha mẹ ban cho, không gây tổn thiệt cho nó chính là chữ hiếu". Nhưng hãy thử đặt phép lịch sự, lễ nghĩa phép tắc vào trường hợp chữ hiếu này và nghĩ xem nó sẽ như thế nào.
Nhưng như thế cũng không có nghĩa những người khỏe mạnh đều là những người lịch sự, biết lễ nghĩa. Tiếp theo hãy xem sự khác biệt giữa người Nhật và người ngoại quốc.
2. Người ngoại quốc và người Nhật
Nguyên tắc lớn của phép lịch sự: hãy đường đường chính chính, đừng khúm núm sợ sệt
Nếu nhìn từ phía người Nhật chúng ta thì thấy hết thảy người ngoại quốc đều là người lịch sự, là người biết cách hành xử. Về mặt này thì người Nhật rất không được, nói ra thì chẳng khác gì những kẻ quê mùa.
Gần đây tôi gặp chuyện như vầy. Khi đến trọ ở một khách sạn, định xuống thực đường ở tầng trệt và đang đứng trước thang máy thì có vợ chồng người ngoại quốc trung niên đi đến. Lúc đó tôi đang đứng chính diện với thang máy nhưng đã lùi xuống một bước, bởi vì người kia có dẫn theo phụ nữ. Thế rồi người đàn bà nọ tiến lên đứng vào chỗ tôi lúc nãy, rồi cửa mở ra, bà ta bước vào. Chồng bà ta nói với tôi rằng, xin mời. Tôi bước vào, rồi tiếp theo đó là ông chồng bước vào. Bà ta hỏi tôi muốn xuống tầng mấy, tôi đáp là tầng trệt. Bà ta bấm nút. Khi xuống đến tầng trệt thì quý bà đi xuống. Tôi nói với ông chồng, xin mời, ông ta đáp "thank you" rồi đi ra. Rồi sau đó tôi cũng đi vào thực đường.
Chuyện này chẳng có gì, nhưng nếu là giữa người Nhật với nhau thì sẽ không như vậy. Đầu tiên là người phụ nữ không thể tiến lên một bước để đứng trước thang máy được. Tiến lên trước chính là điểm quan trọng của câu chuyện. Nếu là phụ nữ Nhật thì họ sẽ khúm núm sợ sệt.
Thế rồi khi cả ba người cùng trở lại thang máy thì lần này người phụ nữ chủ động hỏi tôi xuống tầng mấy. Hỏi như thế cũng như hỏi anh ăn gì, thích uống gì. Như thế vợ chồng họ đã đưa tôi vào vị trí là khách của họ. Nếu là vợ chồng người Nhật thì tuyệt đối không thể có chuyện này. Đầu tiên, người phụ nữ sẽ hổ thẹn, khép nép và có ý thức lẫn trốn vào sau cái bóng của chồng. Như thế sẽ mất đi cơ hội để phát huy ý thức lịch sự. Như vậy, một nguyên tắc lớn của phép cư xử là cứ đường đường chính chính, đừng sợ hãi khép nép. Về điểm này thì người Nhật chúng ta thiếu sót và thua thiệt.
Em đẹp lắm
Đây là câu chuyện lúc sắp kết thúc cuộc đệ nhị Thế chiến. Có vợ chồng một sĩ quan Mỹ dẫn hai đứa con đến nhà tôi chơi. Vì tôi sống ở Kamakura nên không ít lần có những cơ hội như thế. Lần đó tôi mời họ đến dùng cơm tối. Hai đứa con của họ, cô bé lớn mười tuổi và cậu em trai năm tuổi. Tôi mua một chiếc máy bay đồ chơi cho cậu em nhưng quên mất quà cho cô chị. Lúc đó tôi khoảng mười chín, hai mươi gì đó.
Cô chị mặc chiếc áo len đỏ, trên có khoát thêm áo khác. Chiếc áo len đỏ trông rất bắt mắc, và cô bé rất xinh xắn trong chiếc áo. Tôi nói với cô bé, hôm nay trông em rất đẹp. Đó không phải là lời nói lấy lòng vì thực sự là thế mà. Sở dĩ tôi nói được như vậy là vì cô bé là người Mỹ, lại là thiếu nữ mười tuổi. Nghe thế, cô bé tỏ ra rất vui mừng và nói cảm ơn, không hề có chút hổ thẹn khép nép nào. Nếu là thiếu nữ Nhật Bản thì sẽ không như vậy. Họ sẽ nói, đại khái rằng, tôi không thích đâu, rồi bỏ chạy mất. Tức là họ không biết phải phản ứng, phải có thái độ như thế nào trước lời khen đó và cảm thấy lúng túng, hổ thẹn. Thiếu nữ người Mỹ này đã tỏ ra là một cô gái đường đường chính chính.
Mọi chuyện đến lúc này rất xuông sẻ. Nhưng phần sau không được như vậy. Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy một phản kháng một chút đối với thái độ đón nhận đường đường chính chính, vui mừng một cách ngây thơ của cô bé. Chỉ có thể nói là vì lúc đó tôi còn quá ấu trĩ.
Chà, thử trêu cô ta một chút xem sao. Đây không phải ác ý, mà là cách bày tỏ tình cảm thân thiện với cô bé. Tôi nghĩ đây là biểu hiện bày tỏ tình cảm quái đản và đặc trưng của người Nhật. Tôi nói với cô bé rằng, lúc nãy tôi khen cái áo em đẹp đấy. Trong phút chốc, cô bé ngơ ngác tỏ vẻ không hiểu được câu nói của tôi.
Nhưng giây lát tiếp theo, cô bẻ rất đỗi giận dữ, mặt đỏ bừng bừng, nói luyến thắng cái gì đó. Vì trình độ Anh ngữ của tôi không tốt lắm nên không thể nghe được cô ta nói gì, nhưng tôi mơ hồ hiểu được ý cô ta.
- Anh nói đùa thôi mà.
Tôi xin lỗi.
- Đùa như thế là rất xấu!
Cô bé vẫn còn giận dữ, vừa nuốt nước mắt vừa nói.
Đây đây, chỗ này chính là điểm khác nhau trong quốc dân tính giữa ta và họ. Kiểu đùa này không dùng được với người Mỹ. Nhưng hơn thế, nó không chỉ là đùa mà còn phản lại phép lịch sự. Cái áo đẹp chứ không phải cô đẹp chính là lời nói phỉ báng dung mạo nữ giới không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại với phép xã giao.
Lễ nghĩa phép tắc là thứ có tính chất phát huy trong những trường hợp như thế này, như câu chuyện trước bữa ăn, trong bữa ăn và sum họp sau bữa ăn. Nói một cách cực đoan thì tất cả phụ nữ đến dự tiệc đều đẹp. Tại sao như vậy? Vì bản thân họ muốn cho người khác thấy mình đẹp đẽ nên đã ăn mặt chải chuốt, trang điểm cẩn thận. Đây là điểm quan trọng. Vì nữ giới muốn cho người khác thấy mình đẹp nên ta cũng nên nghĩ là họ đẹp thì hơn. Tôi nghĩ rằng lễ nghĩa phép tắc chính là thứ có tính đóng kịch như vậy.
_________________________
Cước chú:
(1) Câu nói trước khi ăn của người Nhật, hàm ý cảm ơn vì tôi được thọ nhận phẩm vật này, có thể xem tương đương với lời tạ ơn của người Thiên chúa trước khi ăn.
(2) Từ lịch sự trong tiếng Nhật là gyōgi, người Việt đọc theo âm Hán Việt là "hành nghĩa". Từ này có nghĩa gốc ban đầu là những quy tắc liên quan đến việc tu hành, thực hành, thực chứng trong Phật giáo. Nó còn chỉ những nghi lễ của Phật giáo, sau đưa đến nghĩa phái sinh là sự lịch thiệp, biết cư xử, ăn nói đi đúng phải phép.
Sách này thú vị, hi vọng kiếm được bản Eng :-d Cảm ơn bạn.
ReplyDeleteBạn có thể chia sẻ bản tiếng việt hoặc tên sách tiếng việt được ko ạ? Mình tìm chỉ thấy bản tiếng nhật mà mình không biết tiếng Nhật ạ
ReplyDeleteChào bạn, sách này nguyên văn tiếng Nhật và chưa có ai dịch sang tiếng Việt. Chúng tôi chỉ dịch một vài chương demo thôi.
Delete