Đọc bản PDF tại đây.

Bên phải: quốc gia an khang, bên trái: quân thần phong lạc

Phần lớn những người hay xem Jidaigeki trên blog này đều biết việc Oda Nobunaga là người đầu tiên đặt nền móng cho việc thống nhất nước Nhật vào thời Chiến quốc. Kế tục Nobunaga là thuộc hạ của ông, Toyotomi Hideyoshi và sau khi Hideyoshi chết, Tokugawa Ieyasu đã tiêu diệt thế lực của họ Toyotomi qua các trận đánh Ōsaka mùa hè và mùa đông, củng cố chế độ Mạc phủ Edo, duy trì hòa bình cho nước Nhật hơn 2 thế kỷ. Thế nhưng chắc ít người biết thứ đã khơi mào cho hai trận đông, hè ở Ōsaka khiến họ Toyotomi phải tuyệt diệt chính là mấy câu chữ khắc trên quả chuông chùa (phạn chung) Phương Quãng (Hōkō-ji).

 Sau khi kế tục sự nghiệp thâu tóm thiên hạ của Nobunaga, năm 1598, Toyotomi Hideyoshi qua đời và giao lại con trai là Hideyori lúc bấy giờ mới có 6 tuổi cho Tokugawa Ieyasu và các Daimyō coi sóc. Ieyasu bấy giờ là người đứng đầu ngũ Đại lão, nhưng 2 năm sau đã dấy binh đánh thế lực phò tá Hideyori trong trận Seki-ga-hara. Với thắng lợi trong trận đánh quyết định này, Tokugawa Ieyasu đã dành cả thiên hạ từ tay họ Toyotomi về phía mình, và được phong làm Chinh Di Đại Tướng Quân vào năm 1603. Tuy thắng lợi nhưng họ Tokugawa vẫn chưa tiêu diệt được họ Toyotomi và xem đây vẫn là mối đe dọa cho sự an ổn của chính quyền Tokugawa. Toyotomi Hideyori và thân mẫu Yodo-gimi vẫn thủ ở thành Ōsaka vốn được xem là "nan công bất lạc".

Cùng năm, Ieyasu gả cháu nội của mình là Sen-hime (con gái của Tokugawa Hidetada) lúc bấy giờ mới 7 tuổi cho Hideyori (11 tuổi). Nàng Sen-hime cùng nhũ mẫu Gyōbu-kyō no Tsubone vào thành Ōsaka làm dâu họ Toyotomi trong năm Keichō thứ 8 (1603).

Từ sau khi Toyotomi Hideyoshi qua đời, Hideyori cùng thân mẫu Yodo-gimi ra sức trùng tu, kiến tạo chùa chiền ở vùng Kinai (lân cận quanh kinh đô Kyōto). Con số kiến tạo, trùng tu lên đến 85 và có thể kể đến những ngôi chùa nổi tiếng như Tō-ji (Đông tự), Enryaku-ji (Diên Lịch tự), Kurama-dera (An Mã tự), đền thần Iwashimizu Hachiman,... đều được mẹ con Hideyori trùng tu, tôn tạo. Có tin đồn rằng vì việc trùng tu chùa chiền này mà ngân sách của thành Ōsaka đã chạm tới đáy, nhưng thực tế họ Toyotomi không hề túng thiếu tiền bạc. Mặc dù tốn rất nhiều chiến phí cho chiến dịch Ōsaka sau đó, nhưng khi họ Toyotomi bị diệt thì Mạc phủ vẫn thu được từ thành Ōsaka chừng 2 vạn 8 nghìn lá vàng (28 vạn lượng) và 2 vạn 4 nghìn lá bạc (24 vạn lượng).

Lúc sinh thời, Hideyoshi từng cho xây dựng chùa Hōkō-ji (Quãng Phương tự) ở kinh đô Kyōto. Đây là ngôi chùa thuộc Thiên Thai tông, nhưng sau vì động đất mà đổ. Sau này, Tokugawa Ieyasu mới khuyên Hideyori xây dựng lại ngôi chùa này. Đại Phật điện được tôn tạo đến năm Keichō thứ 14 thì kết thúc, còn quả chuông lớn (phạn chung) treo trên đại chung lâu thì đến tháng 4 năm Keichō thứ 19 (1614) thì đúc xong, việc chọn văn khắc chữ vào chuông được giao cho Bun-ei Senkan, một tăng sĩ dòng Rinzai (Lâm Tế) ở chùa Nanzen-ji (Nam Thiền tự) đảm trách.


Phạn chung ở Phương Quãng tự

Trong số những câu khắc trên quả chuông, có những câu được phía Tokugawa giải nghĩa là Hideyori trù ếm họ Tokugawa và nguyện cho họ Toyotomi trường tồn như dưới đây.


  • "Hữu bộc xạ Nguyên Triều Thần Gia Khang" (右僕射源朝臣家康) - Ubokusha Minamoto no Ason Ieyasu. "Hữu bộc xạ" (Ubokusha) là tên gọi của Hữu đại thần bên Đường quốc, còn chỉ chức danh của Ieyasu. Chữ "xạ" còn có nghĩa là bắn (xạ trong thiện xạ, xạ thủ...). "Nguyên" (Minamoto) là một họ lừng lẫy từ thời Heian, và Tokugawa Ieyasu xuất thân từ dòng Minamoto này. "Triều Thần" (Ason), chức quan của triều đình. "Gia Khang" là tên của Ieyasu (đọc theo âm Hán Việt). Như vậy cả câu này nghĩa là quan Hữu đại thần Minamoto no Ason Ieyasu. Nhưng phía Ieyasu lại cắt nghĩa thành "bắn chết Minamoto no Ason", tức bắn chết Ieyasu.
  • "Quốc gia an khang" (国家安康) - Kokka ankō. Câu này mang nghĩa cầu chúc đất nước an ổn, thịnh vượng. Nhưng phía Tokugawa giải nghĩa câu này rằng, nếu bỏ chữ "gia" và chữ "khang" đi thì còn lại "an quốc". Gia Khang tức Ieyasu, vậy nếu loại trừ Ieyasu đi thì đất nước sẽ an ổn. Nếu cắt đi chữ "quốc" và chữ "an" thì còn lại "Gia Khang", tức là đã chém mất đầu và chém mình của Ieyasu.
  • "Quân thần phong lạc" (君臣豊楽) - Kunshin hōraku. "Quân" là vua, kẻ thống trị. "Thần" là bề tôi. "Phong" là đầy đủ, sung mãn (phong phú). "Lạc" là vui vẻ. Câu này nghĩa là chủ (quân) và tớ (thần) đều no đủ an vui. Câu này cầu chúc từ trên từ Thiên Hoàng, các quan đại thần xuống đến dưới như hạng thường dân đều được no đủ an vui. Nhưng phe Tokugawa lại giải nghĩa rằng câu này chỉ cầu chúc cho họ Toyotomi được no đủ, vì đảo ngược vị trí của chữ thứ 2 và 3 sẽ được "Phong Thần", tức họ Toyotomi.
  • "Tử tôn ân xương" (子孫殷昌) - Shison Inshō. Câu này đi liền sau "quân thần phong lạc" và mang nghĩa con cháu đề huề, rạng rỡ. Phía Tokugawa mượn cớ câu trên, cho rằng ở đây chỉ cầu cho họ Toyotomi được trường tồn, rạng rỡ.

Mượn cớ những câu trên mang ý xúc phạm họ Tokugawa, Ieyasu ra lệnh hoãn vô thời hạn ngày khai nhãn cho tượng Đại Phật. Phía Toyotomi cũng phái tướng Katagiri Katsumoto đến chỗ Ieyasu để biện minh nhưng không gặp được Ieyasu. Các hầu cận thân tín của Ieyasu như Honda Masazumi, sư Konchi-in Sūden nói lại với Katagiri rằng để làm đẹp lòng Ieyasu thì họ Toyotomi phải chọn một trong các điều kiện sau
  • Yodo-gimi (thân mẫu của Hideyori) phải đến Edo làm con tin
  • Hideyori phải đến Edo phụng sự
  • Hideyori phải ra khỏi thành Ōsaka, chuyển sang xứ khác
Hay tin này, Yodo-gimi đùng đùng nổi giận và cho rằng Katagiri là kẻ phản bội. Mặt khác, một sứ giả khác đã gặp trực tiếp Ieyasu là Gyōbu-kyō no Tsubone, nhũ mẫu của Sen-hime bẩm lại với Yodo-gimi rằng Ieyasu rất vui và không hề đả động gì đến chuyện chữ khắc trên chuông, và vì Hideyori là cháu rể nên chẳng có ý hại. Tin lời nhũ mẫu Gyōbu-kyō no Tsubone, cùng 3 điều kiện mà tướng Katagiri Katsumoto từ Edo mang về khiến Yodo-gimi mất tin tưởng vào Katagiri, khiến Katagiri phải bỏ thành mà đi. Nhưng thực ra đây chỉ là kế sách của Ieyasu nhằm ly gián chủ tớ nhà Toyotomi.

Năm Keichō thứ 18, Katagiri Katsumoto được Toyotomi Hideyori tăng bổng lộc lên 1 vạn hộc, nhưng lại từ chối. Sau vì mệnh lệnh của Ieyasu mà nhận lãnh. Như vậy, điều này có ý nghĩa rằng Katagiri vừa là bề tôi nhà Toyotomi, đồng thời cũng là bề tôi của họ Tokugawa. Việc họ Toyotomi đuổi Katagiri đi đã cho Ieyasu một cái cớ để huy động chư hầu, dấy binh vây thành Ōsaka và tiêu diệt họ Toyotomi sau đó. Tất cả đều diễn ra như sách lược đã định của Tokugawa Ieyasu.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top